Sinh viên sáng chế áo thông minh theo dõi sức khỏe và cảnh báo đột qu
- binghanluc
- 14 thg 3, 2024
- 3 phút đọc
Nhóm sinh viên tài năng trường Đại học Phenikaa đã phát triển ý tưởng chiếc áo thông minh Pulse Guard có khả năng theo dõi sức khỏe và cảnh báo đột quỵ, mong muốn giảm tỷ lệ biến chứng, tử vong do đột quỵ, đặc biệt ở người cao tuổi.

Nghiên cứu này là một trong 50 sáng kiến xuất sắc của khối Sinh viên lọt vào vòng chung kết cuộc thi "Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp – SV-STARTUP" lần VI do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Trước đó, Pulse Guard đã giành giải Quý quân tại cuộc thi “Sáng tạo Khởi nghiệp Sinh viên - Phenikaa Startup Idea 2023”
Nhóm sinh viên gồm: Nguyễn Thị Minh Lan, Ninh Thị Như Hoa (ngành Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông), Trần Vân An, Bùi Việt Hoàn (ngành Kỹ thuật Y sinh) và Vũ Đình Đức (ngành Quản trị kinh doanh). Tất cả đều là sinh viên năm thứ ba và là thành viên của nhóm nghiên cứu SSA Lab, khoa Điện - Điện tử, trường Đại học Phenikaa.
Vân An và Việt Hoàn đảm nhận chuyên môn về y khoa và các chỉ số chẩn đoán trạng thái sức khỏe của người dùng. Minh Lan, Như Hoa chịu trách nhiệm về mặt kỹ thuật và thiết kế áo. Còn Đình Đức tính toán việc thương mại hóa sản phẩm
Pulse Guard là bộ sản phẩm gồm áo thông minh và ứng dụng kết nối. Áo thông minh tích hợp các cảm biến theo dõi các chỉ số sức khỏe, bao gồm: nồng độ oxy trong máu, nhiệt độ, nhịp tim, nhịp thở và nhận dạng các hành động cơ bản nhằm cảnh báo ngã.
Dự án Pulse Guard kết hợp các kỹ thuật máy học tiên tiến, có độ phức tạp cao với khả năng xử lý dữ liệu theo thời gian thực từ các cảm biến để đưa ra giải pháp. Giải pháp toàn diện để theo dõi và hỗ trợ sức khỏe người cao tuổi.
Ứng dụng điện thoại được kết nối với áo sẽ hiển thị các chỉ số sức khỏe của người dùng. Ứng dụng này hoàn toàn miễn phí, bao gồm ba giao diện tương ứng với ba đối tượng sử dụng là người nhà, bác sĩ và đội phản ứng nhanh.

Khi người dùng có dấu hiệu bất thường, ngay lập tức cảnh báo khẩn cấp được gửi đến hệ thống phần mềm của người nhà, đội phản ứng nhanh và cấp cứu. Qua đó, có thể nâng cao tỷ lệ cứu sống người bệnh trong "thời gian vàng" với các trường hợp cấp cứu như đột quỵ, ngã, tai nạn...
Ngoài ra, các chỉ số sức khỏe được đẩy lên server lưu trữ nhằm cung cấp những thông tin hữu ích cho bác sĩ về cơ sở dữ liệu sức khỏe của người dùng và đưa vào mô hình AI để đánh giá sự nghiêm trọng, hỗ trợ ra quyết định khẩn cấp khi người dùng có dấu hiệu bất thường về sức khỏe.
Pulse Guard có tính ứng dụng rất cao. Bởi nó không chỉ giúp giảm thiểu rủi ro sức khỏe cho người cao tuổi mà còn giảm bớt gánh nặng cho gia đình và hệ thống y tế. Sản phẩm được phát triển trên nền tảng công nghệ mà người bệnh, người nhà và hệ thống y tế có thể tương tác theo thời gian thực.
Hiện nay, số ca đột quỵ ngày càng gia tăng ở Việt Nam. Tuy nhiên, mạng lưới chăm sóc cấp cứu ngoại viện cho bệnh nhân đột quỵ vẫn còn kém phát triển trên cả nước. Điều này đặc biệt đúng đối với những người lớn tuổi sống một mình hoặc ở những khu vực có hệ thống y tế kém phát triển. Vì vậy, dự án Pulse Guard đặc biệt phù hợp với tình hình y tế và cơ sở hạ tầng ở Việt Nam và các nước đang phát triển.
Comments